Mảnh đất Huế đem lại cho mỗi người chúng ta một cảm giác bình yên, đượm buồn đến kỳ lạ mỗi khi đến đây. Có lẽ vì thế, dòng Hương Giang đã trở thành một biểu tượng, phả vào mảnh đất này những hơi thở trữ tình, thơ mộng ngàn năm. Geoholiday sẽ giúp bạn khám phá, chiêm ngưỡng bức tranh trữ tình mang tên sông Hương núi ngự nhé!
Từ thuở xa xưa, không biết ai đã đặt tên cho dòng sông thơ mộng này, cái tên Hương vẫn là một điều bí ẩn. Như cái tên gọi, “Sông Hương” mang cho mình những mùi hương của ngàn cỏ cây, thảo dược nhiệt đới trên chuỗi hành trình từ thượng nguồn núi rừng rồi quanh co đất Huế thả hồn cho nơi đây những dòng nước dịu êm, thơm ngọt tới mọi người.
Sông Hương bắt nguồn từ những dãy núi Trường Sơn hùng vỹ và được chia làm 2 nhánh. Nhánh Tả Trạch xuất phát từ Động Dài, chảy qua 55 ngọn thác lớn nhỏ đến ngã ba Bằng Lãng. Nhánh Hữu Trạch bắt đầu từ phía đông núi Chấn Sơn, chảy qua 14 dòng thác rồi đến nhập với dòng Tả Trạch tạo nên nét đẹp hiền hòa , thơ mộng dài rộng miên man.
Phải nói rằng, vẻ đẹp dòng sông như được tạo hóa ban cho sự dịu êm, mộc mạc. Tấm lụa ấy cứ uốn lượn trên những vùng đất xanh tươi, làng mạc trù phú từ Kim Long, Nguyệt Biều, Vĩ Dạ, Đông Ba,.. rồi cứ nhẹ nhàng đi vào giữa lòng thành phố. Chính vì vậy, sông Hương luôn mang lại những giây phút yên bình, chứng nhân những tháng năm lịch sử hàng ngàn năm cổ kính văn hiến nơi đây.
Dân chài thả lưới bắt cá bên dòng Hương Giang ở thôn Vỹ Dạ.
Xuôi theo dòng Hương Giang, ánh chiều tà hắt lên những hạt nắng vàng ươm trên mặt nước xanh ngắt, soi bóng cả thành phố phản chiếu dưới mặt sông. Không những thế sông còn là mặt gương cho những cô phượng già, chải chuốt mái tóc êm dịu rũ xuống, đôi lúc không khéo làm rơi những nhánh hoa phượng đỏ tô đậm dòng nước êm dịu.
Bức họa đó cứ mãi tĩnh lặng cho đến khi ta đến miệt vườn Vĩ Dạ với hàng rợp bóng cây, phiêu du cùng mây cùng gió, cùng nắng vàng hòa quyện với thảm hoa xanh mát ngược dòng tới chùa Thiên Mụ. Tiếng chuông vang vọng trong nền trời yên ắng, những chú chim cứ mải mê sải cánh bay về. Khung cảnh bình yên tới lạ.
Chùa Thiên Mụ huyền ảo, linh thiêng nằm bên cạnh sông Hương
Xem thêm: Phật đứng Huế – Vùng đất tâm linh của du lịch xứ Huế
Rồi ta cứ phiêu du cùng với gió mây tới những khu phố, xóm làng in bóng như tranh họa đồ. Và không thể thiếu nơi đây là chiếc cầu Tràng tiền, cong cong từng nhịp nối đuôi nhau hai bên bờ mà lênh đênh phảng phất xuống mặt gương êm ả.
Con đò nhỏ u hoài vắng khách
Gió hắt hiu lau lách buồn tênh
Trường Tiền mấy nhịp chênh vênh
Vẳng nghe mấy khúc Nam bình , Nam Ai
Cố đô cũ đền đài trầm mặc
Con phố xưa như nhắc ai về
Câu hò man mác tái tê
Đò xuôi Vỹ Dạ có về đêm trăng…
( Thơ: Chiều sông Hương)
Chiều xuống là lúc sông Hương khoác cho mình bộ cánh vàng cam, đính trên mình những ánh bạc thật kiêu sa. Vẻ đẹp ấy cứ mãi quyến rũ làm lòng ta yên bình mãi không thôi. Ánh chiều cứ mãi nhạt dần cho đến khi lịm xuống, mặt nước cứ chuyển dần từ tím chiều tới khi đen huyền của màn đêm tĩnh mịch.
Quang cảnh bên sông lúc đêm về khác hẳn, như chốn bồng lai tiên cảnh mà ta có thể du ngoạn. Những con thuyền xuôi ngược dòng càng lúc hiện rõ, lấp ló những ánh đèn chiếu rọi xuống mặt sông tĩnh lặng.
Thành phố buồn ấy lại một lần nữa được sông Hương thể hiện rõ qua những điệu hò ngân nga của nhưng cô nàng xứ Huế. Và đó cũng là nét thu hút của loại hình dân ca trên sông Hương mà du khách không thể nào quên được.
Nhìn xa, cầu Tràng Tiền lại mang trong mình những chiếc áo lấp lánh, tỏa sáng lung linh mặt nước vốn trữ tình nay càng nên thơ, mơ màng, lãng mạn.
Sông Hương núi Ngự đậm đà
Ngàn năm vang khúc hò ca duyên tình
Ai ơi ! Qua xứ Huế mình
Để thương để nhớ thắm tình thủy chung
( Thơ: Hò thuyền sông Hương)
Dòng Hương Giang quanh co, uốn lượn giữa mảnh đất Cố đô.
Có thể nói sông Hương sẽ luôn là địa điểm phát triển du lịch nơi đây. Bờ sông hai bên được tạo dựng lên những cảnh quan, công viên là điểm vui chơi không chỉ của người dân nơi đây mà còn là địa điểm dừng chân du lịch của du khách phương xa mỗi lần ghé Huế. Chính vì vậy 2 bên dòng sông thường là nơi tổ chức sự kiện, các lễ hội Festival…
Điểm lên đó là những loại hình nghệ thuật đậm chất cổ kính thời xưa như các bức thư pháp, đồ gốm, tranh thêu… được bày bán đầy rẫy trên phố đi bộ Huế.
Cầu đi bộ Gỗ Lim là một trong những địa điểm du lịch thu hút mà du khách lui tới với lối kiến trúc cổ xưa kết hợp với hiện đại. Cầu đi bộ giờ đây là điểm nhấn của sông Hương với sự kết hợp phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đã biến thành con đường mãn nhãn cho nhiều khách tham quan.
Giờ đây dù có đi đâu, sông Hương vẫn luôn là biểu tượng, một nét đẹp duyên dáng trường tồn hàng ngàn năm và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Sông Hương núi ngự sẽ mãi là một trong những dòng sông đẹp không chỉ mang nét thoáng buồn, nên thơ mà còn lẫn về con người nơi đây vừa dịu dàng, quyến rũ đến khó tả.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Bạch Mã – Điểm đến thiên nhiên tuyệt vời
- Tái chế giấy – Quy trình tái chế và hơn 20 ý tưởng hô biến giấy cũ - March 28, 2024
- Biến xe tải chở hàng thành nhà di động để đi du lịch gia đình - December 17, 2023
- Cách tận dụng xe tải chở hàng để kinh doanh ăn uống, cafe - December 17, 2023